Thứ Hai, 1 tháng 8, 2016

Khởi nghiệp từ một anh bán túi ni-lông và gà đông lạnh, Christian von Koenigsegg trở thành ông chủ hãng siêu xe

Ông Christian từng khẳng định, với khoảng giá từ 50.000 - 100.000 USD, không có mẫu xe sedan nào trên thị trường sở hữu khả năng vận hành ấn tượng như Tesla Model S. Thậm chí, ông Christian còn đánh giá Tesla Model S cao hơn cả BMW M5.

Christian von Koenigsegg: Từ anh bán gà đông lạnh đến ông chủ hãng siêu xe

Khởi nghiệp từ một anh bán túi ni-lông và gà đông lạnh, Christian von Koenigsegg sau 20 năm đã khiến cả thế giới phải ngả mũ khi trình làng những mẫu siêu xe cực mạnh, cực đắt như Agera RS,

Được thành lập tại đất nước Thụy Điển vào năm 1994, Koenigsegg là một trong những nhãn hiệu siêu xe đặc biệt nhất thế giới. Chẳng ai nghĩ một nhãn hiệu bé nhỏ đến từ Thụy Điển như Koenigsegg lại có thể chế tạo những chiếc siêu xe cạnh tranh ngang ngửa với Bugatti Chiron. Ông Christian von Koenigsegg, "cha đẻ" hãng siêu xe Thụy Điển, chính là người đã biến điều tưởng như không thể thành hiện thực.

Nhắc đến Christian von Koenigsegg, người ta sẽ nghĩ ngay đến những chiếc siêu xe đình đám như Agera RS, One:1 hay Regera. Thế nhưng, ít ai biết rằng, trước khi bắt tay vào sản xuất siêu xe, Christian từng chỉ là một anh chàng bán gà đông lạnh.

Christian cho biết, niềm đam mê xe cộ của ông bắt nguồn từ một bộ phim của Na-Uy có tên Flåklypa Grand Prix (The Pinchcliffe Grand Prix) nói về một người thợ sửa chữa xe đạp. "Nhân vật chính trong phim đã chế tạo một chiếc xe đua đáng ngạc nhiên trên núi cùng nhóm bạn. Sau đó, ông ấy tham gia đua xe cùng những nhãn hiệu nổi tiếng và giành chiến thắng", doanh nhân 44 tuổi kể lại với phóng viên BBC trong triển lãm New York. "Sau khi xem bộ phim và bước ra khỏi rạp, tôi nhớ mình đã nói: 'Đó chính là những gì mình muốn làm khi lớn lên'".

Ở cái tuổi của Christian lúc đó, phần lớn những đứa trẻ đều mơ ước trở thành phi hành gia hoặc lính cứu hỏa. Thế nhưng, cậu bé lớn lên ở một đất nước không nổi tiếng với ngành sản xuất siêu xe như Ý hay Đức lại chỉ đam mê xe cộ.

"Tôi bắt đầu vẽ xe hơi khi mới chỉ 6 hoặc 7 tuổi", doanh nhân người Thụy Điển cho biết. Theo Christian, hồi nhỏ, ông còn rất mê chiếc xe Volkswagen Beetle có tên Herbie trong hoạt hình Disney. Thế nhưng, trên thực tế, ông lại không thực sự yêu thích những chiếc ô tô ngoài đời thực: "Lúc đó, tôi thậm chí còn chẳng biết Enzo Ferrari là ai".

Christian chưa bao giờ được đào tạo bài bản để trở thành một thợ cơ khí. Khi còn nhỏ, Christian chỉ tự mày mò tháo lắp máy thu hình rồi chế tạo xe đua điều khiển từ xa. Sau khi tốt nghiệp cấp ba, Christian trở thành thợ độ xe máy tại quê nhà.

Tuy nhiên, là "con nhà nòi" vì bố mẹ đều làm doanh nhân, Christian đã thành lập một công ty thương mại riêng vào năm 19 tuổi. Công ty của Christian bán đủ thứ để kiếm tiền, từ túi ni-lông đến gà đông lạnh cho các nước thuộc Liên Xô cũ. 3 năm sau, Christian tự hỏi bản thân: "Mình thực sự muốn làm gì? Mình muốn chế tạo xe hơi".

"Nếu không chế tạo xe hơi ngay bây giờ, có lẽ tôi sẽ chẳng còn cơ hội làm nữa. Tôi còn trẻ, việc chế tạo xe hơi sẽ rất khó và phần lớn mọi người đều thất bại. Đây có thể là một nhiệm vụ bất khả thi. Thế nhưng, đây lại là một thử thách hoàn hảo vì đằng nào tôi chả chết, tôi chẳng có gì để mất", Christian chia sẻ ý nghĩa của ông lúc quyết định bắt tay vào sản xuất ô tô.

Vào thời điểm năm 1994, ý tưởng chế tạo siêu xe hypercar của Christian đã khiến nhiều người bật cười. "Tôi chỉ là một đứa trẻ lớn lên ở Thụy Điển, không hề có nền tảng kiến thức về mảng này. Thụy Điển không phải là đất nước có đủ cơ sở vật chất để sản xuất những chiếc xe thể thao sang trọng. Tôi không có đủ vốn để làm. Lúc đó, tôi tự nói với bản thân đây là điều không thể", ông Christian nhớ lại.

Cuối năm 1994, khi Christian mới 22 tuổi, ông và một cộng sự đã giành được khoản tiền đầu tư 1,5 triệu Krona để chế tạo nguyên mẫu siêu xe. Cả hai đã chuyển tới một xưởng chế tạo ở Olofström, ngay cạnh Volvo, và thuê một đội sản xuất.

"Một người lái xe nâng và từng học ngành kỹ thuật. Bố của anh ấy là chuyên gia phác họa tại Volvo. Tôi kể với ông ấy về thiết kế của mình và ông ấy vẽ ra giấy. Sau vài tháng được ông ấy hướng dẫn, cộng thêm đọc sách, tôi đã có thể phác họa ô tô", ông Christian nói.

Tuy nhiên, mọi chuyện chỉ thực sự thay đổi khi ông Christian thuê kỹ sư kiêm lập trình viên Dag Bölenius. Đây chính là người đã viết chương trình mô phỏng cơ cấu điều khiển khung gầm ô tô. "Chúng tôi đã tìm ra dữ liệu khung gầm của những mẫu siêu xe như Ferrari F40, McLaren F1 và Ford GT40. Chúng tôi nghiên cứu trọng lượng, trọng tâm, thông số lốp và tỷ lệ phân bổ trọng lượng của những chiếc xe này để tạo ra sản phẩm của riêng mình", ông Christian giải thích.

Cuối cùng, nguyên mẫu siêu xe đầu tiên của Christian đã ra đời với sàn xe bằng sợi carbon và khung ống rỗng để giảm trọng lượng. Chưa hết, nguyên mẫu này còn được trang bị động cơ V8, dung tích 4,2 lít và hộp số của Audi. Chính nguyên mẫu này đã hình thành nên ADN của siêu xe Koenigsegg, đó là kiểu dáng coupe với trần xe có thể tách rời và cửa xoay 90 độ.

Mãi đến năm 2002, sau khi phát triển vài nguyên mẫu, ông Christian mới tung ra siêu xe thương mại đầu tiên, đó là Koengisegg CC8S. Một năm sau đó, Koenigsegg CC8S được tổ chức Kỷ lục Guinness thế giới công nhận là siêu xe thương mại mạnh nhất.

Đặc biệt, Koenigsegg CC8S cũng là chiếc siêu xe làm nên vé phạt tốc độ cao nhất thế giới. Một người đàn ông tại bang Texas, Mỹ, đã bị lực lượng cảnh sát ghi vé phạt khi lái chiếc siêu xe Koenigsegg CC8S lên vận tốc 242 dặm/h, tương đương 389 km/h. Đáng tiếc thay, Koengisegg CC8S chỉ được sản xuất từ năm 2002-2003 với số lượng đúng 6 chiếc.

Sau 20 năm thành lập nhãn hiệu siêu xe Koenigsegg, ông Christian đã khiến cả thế giới phải ngả mũ khi trình làng siêu xe One:1 có thể tăng tốc từ 0-400 km/h trong thời gian chưa đến 20 giây trong triển lãm Geneva 2014. Hiện hãng Koenigsegg chỉ có hơn 100 nhân viên và sản xuất 12-13 chiếc siêu xe mỗi năm.

2015 chính là năm đầu tiên hãng Koenigsegg sản xuất 2 siêu xe một lúc, bao gồm Regera và Agera RS. Trong đó, Koenigsegg Regera là mẫu siêu xe có số lượng đúng 80 chiếc và được bán với giá lên đến 1,9 triệu USD tại thị trường Mỹ. Đặc biệt, mỗi xe Koengisegg Regera đều có điểm riêng, không chiếc nào giống nhau, nên giá bán sẽ không dừng ở con số trên.

Trên thế giới, Koenigsegg không phải là nhãn hiệu sản xuất siêu xe cực đắt và cực nhanh duy nhất. Những nhãn hiệu nổi tiếng và lâu đời hơn như Bugatti, Porsche hay Lamborghini đều tung ra một vài mẫu siêu xe đặc biệt mỗi năm để giới nhà giàu phải dốc hầu bao. Bên cạnh đó, còn có những nhãn hiệu siêu xe nhỏ hơn như McLaren, Pagani hay W Motors. Vì thế, để nổi bật hẳn lên không phải là chuyện dễ, nhất là với hãng chỉ bán mười mấy chiếc siêu xe mỗi năm như Koenigsegg.

Bí quyết để thành công của Koengisegg đó là siêu xe phải "thật độc đáo và có tính cạnh tranh cao". "Chúng tôi đã phát triển những công nghệ thực sự độc đáo cho siêu xe của mình. Giữ sản lượng thấp cũng là một trong những sở trường của chúng tôi", ông Christian cho biết.

Chủ hãng siêu xe nhưng lại dùng xe điện

Khi được hỏi hàng ngày lái xe gì, ông Christian đã bật cười và nói: "Một chiếc xe điện Tesla Model S". Được biết, chủ hãng siêu xe Koenigsegg đã phải chờ 18 tháng mới được nhận chiếc Tesla Model S đặt hàng. Rõ ràng, khách hàng giàu có và nổi tiếng như ông von Koenigsegg cũng không được hãng Tesla ưu ái trong quá trình đặt hàng và giao xe.

Ông Christian từng khẳng định, với khoảng giá từ 50.000 - 100.000 USD, không có mẫu xe sedan nào trên thị trường sở hữu khả năng vận hành ấn tượng như Tesla Model S. Thậm chí, ông Christian còn đánh giá Tesla Model S cao hơn cả BMW M5.

Theo nhà sáng lập hãng siêu xe Koenigsegg nổi tiếng của Thụy Điển, Tesla Model S mang đến cảm giác lái hấp dẫn hơn BMW M5. Ngoài ra, so với mẫu xe thể thao hạng sang đến từ Đức, Tesla Model S còn tăng tốc nhanh hơn.
Danh Mục Xe Hơi
Danh Mục Xe Máy
Tin Tức Xe Hơi – Xe Máy
Tư Vấn Kỹ Thuật

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét